Lịch sử Phụng_Hiệp

Thời Pháp thuộc

Nguồn gốc

Ban đầu, địa danh Phụng Hiệp chỉ là tên một làng thuộc tổng Định Phước, tỉnh Cần Thơ. Sau này, thực dân Pháp thành lập quận và đặt tên là quận Phụng Hiệp do lấy theo tên gọi làng Phụng Hiệp vốn là nơi đặt quận lỵ.[3]

Năm 1917, thực dân Pháp thành lập quận Phụng Hiệp thuộc tỉnh Cần Thơ. Quận lỵ đặt tại làng Phụng Hiệp. Quận Phụng Hiệp gồm 3 tổng, 21 làng:

  • Tổng Định An gồm 6 làng: Đông Phú, Hậu Thạnh, Long Hưng, Phú Hữu, Phú Mỹ Đông, Phú Thứ;
  • Tổng Định Hòa gồm 8 làng: Hòa Mỹ, Mỹ Phước, Tân Bình, Tân Hưng, Tân Lập, Thạnh Hưng, Thạnh Xuân, Trung Hưng;
  • Tổng Định Phước gồm 7 làng: Đông Sơn, Long Mỹ, Như Lăng, Phụng Hiệp, Song Mỹ, Thượng Phước, Trường Thạnh Sơn

Sau này chính quyền thực dân Pháp tiến hành một nhất một số làng và lấy tên làng mới như: Tân Phước Hưng (hợp nhất Tân Lập, Mỹ Phước và Tân Hưng), Long Thạnh (hợp nhất Long Mỹ và Trường Thạnh Sơn), Đông Phước (hợp nhất Đông Sơn, Thường Phước và Như Lăng). Riêng ba làng nằm trên địa phận cù lao Mây là Hậu Thạnh, Phú Mỹ Đông và Long Hưng được hợp nhất lại thành một làng mới tên là làng Thạnh Mỹ Hưng, sau này làng này cũng như cù lao Mây được giao về cho quận Trà Ôn lúc bấy giờ thuộc tỉnh Cần Thơ quản lý (ngày nay cù lao Mây thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Ngày 31 tháng 12 năm 1943, thay đổi địa giới hành chính của quận Phụng Hiệp. Theo đó, tổng Định Phước chỉ còn lại 3 làng: Phụng Hiệp, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, đồng thời bỏ danh xưng quận, gọi thay thế bằng huyện. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đến năm 1956 cũng thống nhất dùng danh xưng là xã, tuy nhiên vẫn gọi là quận cho đến năm 1975. Huyện Phụng Hiệp khi đó vẫn thuộc tỉnh Cần Thơ. Đồng thời, chính quyền Việt Minh cũng quyết định tách một phần đất đai xã Tân Phước Hưng giao về cho huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng quản lý.

Năm 1946, chính quyền kháng chiến cũng quyết định giao các xã Phú Thứ, Phú Hữu và Đông Phú cho huyện Châu Thành cùng thuộc tỉnh Cần Thơ quản lý.

Năm 1948, Ủy ban Hành chánh kháng chiến tỉnh Cần Thơ quyết định tách đất xã Phụng Hiệp để thành lập mới xã Đại Thành. Đại Thành vốn là tên ghép của hai liệt sĩ: Nguyễn Văn Đại, trưởng công an xã đã hy sinh trên đường đi công tác và Nguyễn Văn Thành, nhân viên công an xã bị giặc bắt và giết chết. Đến năm 1954, chính quyền Việt Minh lại giải thể xã Đại Thành và sáp nhập trở lại vào xã Phụng Hiệp.

Năm 1954, đông đảo đồng bào miền Bắc, phần lớn là theo đạo Thiên chúa đã di cư vào miền Nam và đến làng Phụng Hiệp (sau năm 1956 gọi là xã Phụng Hiệp) lập nghiệp, sinh sống cho đến ngày nay. Đặc biệt, làng Phụng Hiệp cũng là nơi đặt trụ sở Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ vào năm 1954.

Giai đoạn 1956-1975

Việt Nam Cộng hòa

Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Quận Phụng Hiệp thuộc tỉnh Phong Dinh cho đến năm 1975. Năm 1964, quận Phụng Hiệp có 2 tổng với 6 xã trực thuộc:

  • Tổng Định Phước có 4 xã: Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Phụng Hiệp, Tân Phước Hưng;
  • Tổng Định Hòa có 2 xã: Đông Phước, Long Thạnh.

Sau năm 1965, giải thế cấp tổng, các xã trực thuộc quận. Cho tới năm 1975, theo sự phân chia hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, quận Phụng Hiệp gồm 6 xã: Phụng Hiệp, Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Long Thạnh, Đông Phước. Quận lỵ đặt tại xã Phụng Hiệp. Địa bàn xã Phụng Hiệp khi đó gồm 13 ấp trực thuộc: Sóc Trăng, Phó Đường, Mỹ Thạnh, Lái Hiếu, Sậy Nếu, Xẻo Môn, Láng Sen, Xẻo Vông, Ba Ngàn, Sơn Phú, Đông An, Mái Dầm, Mang Cá.

Chính quyền Cách mạng

Còn về phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, sau năm 1956 huyện Phụng Hiệp vẫn thuộc tỉnh Cần Thơ như cũ cho đến năm 1976.

Năm 1964, chính quyền Cách mạng tái lập xã Đại Thành trên cơ sở tách đất từ xã Phụng Hiệp như trước đó. Năm 1966, bàn giao 3 xã Hòa An, Phương Bình, Phương Phú của huyện Long Mỹ cho huyện Phụng Hiệp quản lý (chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn đặt 3 xã này thuộc các quận Long Mỹ và Đức Long của tỉnh Chương Thiện cho đến năm 1975).

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam của tỉnh Cần Thơ lúc bấy giờ vẫn đặt huyện Phụng Hiệp thuộc tỉnh Cần Thơ như trước. Huyện lỵ là thị trấn Phụng Hiệp, được thành lập trên cơ sở tách đất từ xã Phụng Hiệp. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng có sự điều chỉnh các xã thuộc quận Phụng Hiệp cũ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như sau:

  • Giao xã Đông Phước trước đó thuộc quận Phụng Hiệp về cho huyện Châu Thành quản lý.
  • Giao các xã Thạnh Hòa, Tân Bình (thời Việt Nam Cộng hòa thuộc quận Thuận Nhơn) về cho huyện Phụng Hiệp quản lý. Đồng thời, tách một phần đất của xã Thạnh Hòa để thành lập xã Thạnh Xuân trực thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.
  • Tách đất xã Phụng Hiệp để thành lập thị trấn Phụng Hiệp và xã Đại Thành.

Từ năm 1976 đến nay

Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơthành phố Cần Thơ để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Hậu Giang. Lúc này, Phụng Hiệp là huyện của tỉnh Hậu Giang, với huyện lỵ là thị trấn Phụng Hiệp. Huyện Phụng Hiệp ban đầu gồm thị trấn Phụng Hiệp và 11 xã: Đại Thành, Hiệp Hưng, Hòa An, Hòa Mỹ, Long Thạnh, Phụng Hiệp, Phương Bình, Phương Phú, Tân Bình, Tân Phước Hưng, Thạnh Hòa.

Ngày 21 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 174-CP[4] về việc chia một số xã thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang như sau:

  • Chia xã Hòa An thành ba xã lấy tên là xã Hòa An, xã Hòa Lợi và xã Hòa Lộc.
  • Chia xã Tân Bình thành ba xã lấy tên là xã Tân Bình, xã Bình Chánh và xã Bình Thành.
  • Chia xã Hiệp Hưng thành hai xã lấy tên là xã Hiệp Hưng và xã Hưng Điền.

Ngày 16 tháng 9 năm 1989, huyện Phụng Hiệp được xác định các đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Phụng Hiệp và 14 : Đại Thành, Phụng Hiệp, Tân Long, Long Thạnh, Thạnh Hòa, Bình Thành, Tân Bình, Hòa An, Hòa Mỹ, Hiệp Hưng, Phương Bình, Phương Phú, Hưng Điền, Tân Phước Hưng.

Ngày 7 tháng 12 năm 1990, giải thể 3 xã Tân Long, Bình Thành, Hưng Điền. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Huyện Phụng Hiệp thuộc tỉnh Cần Thơ. Năm 1993, huyện Phụng Hiệp trở lại gồm thị trấn Phụng Hiệp và 11 xã: Đại Thành, Hiệp Hưng, Hòa An, Hòa Mỹ, Long Thạnh, Phụng Hiệp, Phương Bình, Phương Phú, Tân Bình, Tân Phước Hưng, Thạnh Hòa.

Ngày 24 tháng 8 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 80/1999/NĐ-CP[5] về việc thành lập các xã thuộc các huyện Thốt Nốt và Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập xã Tân Long thuộc huyện Phụng Hiệp trên cơ sở 2.172 ha diện tích tự nhiên và 15.799 nhân khẩu của xã Long Thạnh.

Ngày 4 tháng 8 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 28/2000/NĐ-CP[6] về việc thành lập thị trấn thuộc các huyện Thốt Nốt, Ô Môn và Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập thị trấn Cây Dương thuộc huyện Phụng Hiệp trên cơ sở 1.512 ha diện tích tự nhiên và 7.981 nhân khẩu của xã Hiệp Hưng; thành lập thị trấn Kinh Cùng thuộc huyện Phụng Hiệp trên cơ sở 1.300 ha diện tích tự nhiên và 10.288 nhân khẩu của xã Hoà An.

Ngày 19 tháng 4 năm 2002, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 47/2002/NĐ-CP[7] về việc thành lập các xã thuộc các huyện Ô Môn, Phụng Hiệp và Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập xã Bình Thành thuộc huyện Phụng Hiệp trên cơ sở 2.392,97 ha diện tích tự nhiên và 9.497 nhân khẩu của xã Tân Bình.

Ngày 12 tháng 5 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 48/2003/NĐ-CP[8] về việc thành lập các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Châu Thành A, Ô Môn, Phụng Hiệp và thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập xã Tân Thành thuộc huyện Phụng Hiệp trên cơ sở 1.481,1 ha diện tích tự nhiên và 6.924 nhân khẩu của xã Đại Thành.

Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang. Huyện Phụng Hiệp thuộc tỉnh Hậu Giang.

Cuối năm 2004, huyện Phụng Hiệp có 3 thị trấn: Phụng Hiệp, Cây Dương, Kinh Cùng và 14 xã: Đại Thành, Phụng Hiệp, Tân Long, Tân Thành, Bình Thành, Long Thạnh, Thạnh Hoà, Tân Bình, Hoà An, Hoà Mỹ, Hiệp Hưng, Phương Bình, Phương Phú, Tân Phước Hưng.

Ngày 26 tháng 7 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 98/2005/NĐ-CP[9] về việc thành lập thị xã Tân Hiệp thuộc tỉnh Hậu Giang. Theo đó, thành lập thị xã Tân Hiệp (nay là thị xã Ngã Bảy) trên cơ sở điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Phụng Hiệp, xã Đại Thành, xã Tân Thành, 1.932,76 ha diện tích tự nhiên và 11.482 nhân khẩu của xã Phụng Hiệp, 220 ha diện tích tự nhiên và 1.170 nhân khẩu của xã Tân Phước Hưng thuộc huyện Phụng Hiệp.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Phụng Hiệp còn lại 48.481,05 ha diện tích tự nhiên và 205.460 người, có 14 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã Phụng Hiệp, Tân Phước Hưng, Tân Bình, Hoà An, Phương Bình, Phương Phú, Hoà Mỹ, Hiệp Hưng, Thạnh Hoà, Bình Thành, Tân Long, Long Thạnh và các thị trấn Cây Dương, Kinh Cùng.

Ngày 24 tháng 1 năm 2011, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP[10] về việc thành lập thị trấn Búng Tàu thuộc huyện Phụng Hiệp trên cơ sở điều chỉnh 1.518,5 ha diện tích tự nhiên và 7.413 nhân khẩu của xã Tân Phước Hưng.

Huyện Phụng Hiệp có 48.555 ha diện tích tự nhiên và 210.089 nhân khẩu; có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Phương Bình, Phương Phú, Bình Thành, Tân Long, Tân Bình, Long Thạnh, Thạnh Hòa, Hòa An, Hòa Mỹ, Phụng Hiệp, Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng và các thị trấn: Cây Dương, Kinh Cùng, Búng Tàu.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phụng_Hiệp //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://www.haugiang.gov.vn/ http://mic.gov.vn/uploads/20100623/E124-2009%20(31... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-quyet/Nghi-... http://thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh/Quyet...